1. Tính 2 mặt của vấn đề
Một trong những phương pháp tư duy phổ biến nhất trước khi đưa ra một quyết định gì đó là suy xét tính 2 mặt của một vấn đề. Những sinh viên muốn đi làm thêm hầu hết đều có những lí do của riêng mình như: Kiếm thêm thu nhập hỗ trợ học phí, giao lưu và tạo dựng được nhiều mối quan hệ bạn bè mới,… Cũng có một số sinh viên đi làm lại để tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng giao tiếp ứng xử xã hội hay là hỗ trợ những kỹ năng nghề cho ngành học của mình. Nhìn chung, đây đều là những lý do chính đáng và hợp lý, thậm chí còn giúp ích rất nhiều cho sinh viên về lâu dài như tạo dựng mối quan hệ hay tích lũy được những kiến thức mà trường lớp không dạy cho chúng ta.
Tuy nhiên, không chỉ đánh giá trên những mặt tich cực của việc làm thêm mà đã chăm chăm “chạy” theo đi làm thêm mà không nhìn vào mặt trái của vấn đề. Trên thực tế, việc đi làm thêm ở sinh viên có khá nhiều bất cập mà ít ai thực sự nó đến. Trên thực tế, một số sinh viên, đặc biệt là các tân sinh viên rất dễ bị những trung tâm giới thiệu việc làm lừa đảo, bóc lột sức lao động không công dẫn đến cả thể chất lẫn tinh thần đều mệt mỏi, tiền lương thấp, việc làm vất vả. Ngoài ra, cũng có một số sinh viên không biết cân bằng thời gian biểu giữa việc học và đi làm thêm dẫn đến quá đam mê với việc đi làm mà chểnh mảng việc học. Những trường hợp này đều dẫn đến một kết quả là thành tích học tập của sinh viên bị giảm mạnh, học lại nhiều môn hay thậm chí là gây ra tình trạng bỏ học giữa chừng.
2. Vậy, sinh viên năm nhất có nên đi làm thêm không?
Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng: Sinh viên năm nhất không nên đi làm thêm. Tại sao ư? Vì vào thời điểm này, các bạn sinh viên năm nhất chỉ vừa mới bước chân vào bậc học mới nên còn nhiều bỡ ngỡ, chưa thể quen được sự thay đổi từ môi trường đến phương thức học, bạn bè xã giao,… Điều này có thể ảnh hưởng đến việc học hành và kết quả trên lớp của các sinh viên.
Tuy nhiên, các bạn trẻ thời nay thường là năng nổ, ưa tìm tòi khám phá và không ngại khó khăn, đi kèm với đó là một lối tư duy, một cách sống rất khác biệt, rất dễ hòa nhập. Chính vì thế, có thể hiểu được tại sao việc đi làm thêm lại được khuyến khích và đồng cảm đến như thế. Sau cùng, đi làm thêm hay không lại tùy thuộc vào quyết định của bạn.
3. Khi nào nên đi làm thêm
Nếu bạn vẫn thực sự muốn đi làm thêm hay việc làm thêm là cần thiết, hãy cố gắng dành nó cho thời gian sau, khi bạn đã làm quen được với môi trường sống và môi trường học tập ở bậc học mới. Hãy cố gắng cân bằng được thời gian biểu giữa học và làm, cũng như mở rộng cũng như cân bằng các mối quan hệ bạn bè. Khi cuộc sống của bạn đã ổn định, cân đối được việc học hãy đi tìm một công việc làm thêm phù hợp với thời gian cũng như ngành học của bạn, vừa đi làm kiếm thêm thu nhập, vừa tích lũy được những kinh nghiệm quý báu. Trong điều kiện nào bạn cũng nên nhớ kỹ rằng, đừng để việc đi làm ảnh hưởng đến thành tích học tập trên lớp của bạn.
Trên đây là những chia sẻ từ kinh nghiệm bản thân để bạn có một cái nhìn tổng quan hơn về việc sinh viên năm nhất có nên đi làm thêm hay không. Hy vọng bài viết vừa rồi sẽ giúp được các bạn tân sinh viên 2k5 hiểu rõ hơn về việc đi làm thêm khi lên bậc học cao đẳng, đại học.