KOC và những cách để “lập nghiệp”
KOC (Key Opinion Consumer) là thuật ngữ chỉ những người tiêu dùng chủ chốt. Họ không phải là người nổi tiếng hay người có đám đông người theo dõi nhưng lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới quyết định của người khác về việc mua hoặc sử dụng sản phẩm dựa trên đánh giá, trải nghiệm và ý kiến của họ.
KOC thường được nhìn nhận là những người có uy tín, được đánh giá cao về kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể. Sự ảnh hưởng của họ chủ yếu dựa trên mối quan hệ và sự tương tác chặt chẽ với cộng đồng mà họ thuộc về, thường thông qua các nền tảng mạng xã hội.
Theo quan sát và đánh giá từ các chuyên gia, một KOC có thể kiếm tiền thông qua những cách sau:
Xây dựng kênh và quảng bá sản phẩm:
KOC có thể tạo ra nội dung trên các nền tảng mạng xã hội hoặc các kênh truyền thông khác để chia sẻ đánh giá và trải nghiệm với các sản phẩm. Họ tạo ra nội dung hấp dẫn để thu hút sự chú ý từ cộng đồng và từ đó có thể hợp tác với các thương hiệu để quảng bá sản phẩm.
Livestream bán hàng:
KOC có thể tổ chức các buổi livestream trực tiếp để giới thiệu và bán sản phẩm trực tuyến. Trong quá trình livestream, họ có thể giới thiệu và thậm chí là hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm, tạo ra sự tương tác trực tiếp với khán giả và khuyến khích họ mua hàng.
Livestream giải trí:
Ngoài việc bán hàng, KOC cũng có thể sử dụng các buổi livestream để giải trí. Họ có thể chơi game, ca hát,hoặc chia sẻ những câu chuyện, trải nghiệm cá nhân để tạo môi trường gần gũi với người xem. Thông qua các buổi livestream giải trí này, họ có thể nhận quà tặng từ người xem hoặc từ đối tác hợp tác và quy đổi thành tiền.
Những cách này không chỉ giúp KOC kiếm được thu nhập mà còn tạo ra sự tương tác và ảnh hưởng đối với cộng đồng của họ. Từ đó, gia tăng uy tín và sự tin tưởng của người hâm mộ.
KOC nên lựa chọn tự chủ hay hợp tác với doanh nghiệp
KOC có thể lựa chọn hoạt động độc lập hoặc đầu quân cho các công ty, mỗi cách hoạt động đều đem lại những ưu và nhược điểm riêng.
Khi hoạt động độc lập, KOC có tự do hoàn toàn trong việc quản lý nội dung, thời gian, và cách tiếp cận cộng đồng của mình. Họ có thể tạo ra nội dung theo ý thích và không bị ràng buộc bởi các hạn chế của một công ty. Tuy nhiên, hoạt động độc lập đòi hỏi họ phải tự chịu trách nhiệm về tất cả các khía cạnh của công việc, từ việc tạo nội dung, quản lý thời gian, đến việc tìm kiếm cơ hội hợp tác với các thương hiệu. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải tự mình xây dựng và duy trì mối quan hệ với người theo dõi để tạo ra thu nhập ổn định. Và đây không phải là điều dễ dàng mà bất kỳ ai cũng có thể làm được.
Trong khi đó, việc đầu quân cho một công ty mang lại cho KOC sự ổn định hơn về thu nhập và hỗ trợ từ công ty trong việc quản lý và phát triển kênh. Họ có thể được cung cấp nguồn tài nguyên, hỗ trợ quảng cáo và kỹ năng đào tạo từ công ty. Tuy nhiên, việc liên kết với một công ty cũng có thể hạn chế tự do sáng tạo bởi họ sẽ phải làm việc theo định hướng của doanh nghiệp.
Như vậy, mỗi cách hoạt động của KOC đều mang lại lợi ích và thách thức riêng. Sự lựa chọn giữa hoạt động độc lập và đầu quân cho một công ty phụ thuộc vào ưu tiên cá nhân của KOC vào thời điểm hiện tại định hướng công việc họ mong muốn là gì?
KOC Việt Nam và những dấu ấn đáng nhớ
Ở Việt Nam, các chiến dịch kết hợp với KOC đã tạo ra những thành công đáng chú ý trong việc tiếp cận và tương tác với khách hàng thông qua mạng xã hội và livestream bán hàng.
Một trong những ví dụ thành công đáng chú ý là vào ngày 24/6 UBND tỉnh Bắc Giang đã quy tụ hơn 40 KOL/KOC tại thôn Kép 1, xã Hồng Giang để quảng bá và bán sản phẩm OCOP của tỉnh trên TikTok. Buổi livestream thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và sau 4 giờ, đã bán được 5.182 đơn hàng, đạt doanh thu 886 triệu đồng. Chiến dịch này lan tỏa hình ảnh quê hương Bắc Giang cùng các sản phẩm đặc trưng đến người tiêu dùng trong nước.
Tiếp đó, vào tháng 10/2023, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM quảng bá sản phẩm OCOP của TP.HCM thông qua việc livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội. Chiến dịch này tiếp cận 18,4 triệu người và thu về gần 1 tỷ đồng từ hàng trăm triệu lượt xem.
Theo bà Nguyễn Ngọc Anh Uyên - Giám đốc kinh doanh của FWM Shopping, việc tuyển dụng và đào tạo KOC độc quyền đã mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc cho các chiến dịch của nhãn hàng. Thông qua việc hợp tác chặt chẽ với KOC, FWM Shopping đã xây dựng được một đội ngũ KOC có uy tín, có khả năng tương tác tích cực với cộng đồng mạng.
Các KOC của FWM Shopping không chỉ giới thiệu sản phẩm mà họ còn chia sẻ những trải nghiệm thực tế, đánh giá chân thực về sản phẩm. Họ đã tạo ra những buổi livestream bán hàng hấp dẫn, nội dung đa dạng và mang tính giải trí cao, từ đó thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng.
Nhờ vào sự tương tác tích cực từ các KOC, FWM Shopping đã có thể tối ưu hóa việc quảng bá sản phẩm, tăng cường niềm tin và sự gần gũi với khách hàng. Việc kết hợp hiệu quả giữa chiến dịch truyền thông MXH và livestream bán hàng đã giúp FWM Shopping gặt hái được thành công vững chắc trên thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam.
Điều này cho thấy việc kết hợp với KOC không chỉ tạo ra sự tương tác tích cực với khách hàng mà còn có thể tăng cường hiệu quả của chiến lược quảng cáo, nhận diện thương hiệu và bán hàng của các doanh nghiệp. Và xu hướng sử dụng KOC Marketing sẽ tiếp tục mạnh mẽ hơn trong năm 2024.
Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp
Trong quá trình triển khai các chiến dịch sử dụng KOC, các doanh nghiệp thường phải đối mặt với một số khó khăn đáng kể.
Một trong những thách thức chính đó là việc lựa chọn và xác định được KOC phù hợp với thương hiệu của mình. Việc tìm ra những người có ảnh hưởng, uy tín và phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đôi khi, việc này đòi hỏi sự am hiểu về cộng đồng, khả năng phân tích để đưa ra quyết định chính xác.
Ngoài ra, việc duy trì và quản lý mối quan hệ với KOC cũng là một thách thức. Doanh nghiệp cần phải xây dựng một mối liên kết lâu dài với KOC để tạo ra sự ổn định và sự tin cậy trong quan hệ đối tác. Điều này yêu cầu sự chăm chỉ, tôn trọng, và sự linh hoạt trong việc hỗ trợ và tương tác với KOC.
Hơn nữa, việc đảm bảo sự phù hợp giữa thông điệp của thương hiệu và nội dung được chia sẻ bởi KOC cũng là một bài toán nan giải. Việc này, cần có sự đồng nhất trong việc truyền tải thông điệp để đảm bảo rằng nó không chỉ phản ánh đúng về sản phẩm/dịch vụ mà còn phù hợp với giá trị và hình ảnh mà doanh nghiệp muốn truyền tải.
Cuối cùng, việc đánh giá hiệu quả của chiến dịch cũng là một thách thức đáng kể. Đo lường và đánh giá sự thành công của việc hợp tác với KOC không chỉ đòi hỏi các tiêu chí định lượng mà còn đòi hỏi sự đánh giá chất lượng về mức độ tác động và ảnh hưởng thực sự của KOC đối với khách hàng và doanh số bán hàng.
Những thách thức này đều đòi hỏi sự chủ động, kiên nhẫn và chiến lược từ phía doanh nghiệp khi triển khai các chiến dịch sử dụng KOC để đảm bảo rằng việc hợp tác này đạt được kết quả tốt nhất có thể.
Thu Hà