Chào bác sĩ Diệp, tiểu đường thai kỳ là gì và vì sao mẹ bầu lại cần phải lưu ý về bệnh lý này?
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng tăng glucose máu được phát hiện lần đầu khi mang thai. Nguyên nhân gây ra bệnh lý này là do khi mang thai thì bánh rau sẽ tiết ra các hormone giúp đảm bảo chuyển hóa và dinh dưỡng cho thai, tuy nhiên các hormone này cũng khiến cơ thể mẹ khó kiểm soát đường máu, kháng lại insulin. Nếu tuyến tụy không sản xuất đủ insulin để vượt qua trình trạng này thì sẽ dẫn đến tiểu đường thai kỳ.

Nhiều mẹ bầu nghĩ rằng bản thân không ăn nhiều đường, đồ ngọt trong thai kỳ, không tăng cân nhiều nên không mắc tiểu đường được dẫn đến chủ quan. Nhưng như tôi đã giải thích ở trên, bệnh lý này không chỉ liên quan đến chế độ ăn uống, dinh dưỡng mà còn liên quan đến sự kháng insulin của bánh rau mà cơ thể mẹ không bù đắp được, do đó bệnh lý này có thể xảy ra ở bất cứ phụ nữ có thai nào và không nên chủ quan.
Tiểu đường thai kỳ gây ra những hậu quả gì đối với mẹ và thai nhi, thưa bác sĩ?
Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ xảy ra các tai biến trong quá trình mang thai cao hơn so với các thai phụ không mắc bệnh, đặc biệt là những trường hợp tiểu đường không được kiểm soát tốt đường huyết.
Về phía mẹ, các tai biến thường gặp gồm có tăng huyết áp, sinh non, đa ối, sảy thai, lưu thai. Về lâu dài, các thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ có nguy cơ tiến triển thành tiểu đường type 2 về sau.
Về phía con, thai nhi có thể ngừng phát triển, sảy hoặc lưu thai, dị tật bẩm sinh, thai to. Trẻ sơ sinh có thể bị hạ đường máu ngay sau sinh hoặc mắc các bệnh lý chuyển hóa, tử vong ngay sau sinh, tăng hồng cầu, vàng da sơ sinh. Về lâu dài trẻ tăng nguy cơ béo phì, mắc tiểu đường type 2, rối loạn tâm thần vận động.
Khi mắc bệnh lý này thai phụ có biểu hiện triệu chứng gì không, thưa bác sĩ?
Phần lớn trường hợp đều không biểu hiện triệu chứng rõ rệt nên rất dễ bị bỏ qua nếu không thăm khắm và làm xét nghiệm đầy đủ. Một số bệnh nhân có thể thấy khát nước nhiều, tiểu nhiều, mệt mỏi, sút cân, tuy nhiên những triệu chứng này rất mơ hồ và dễ nhầm lẫn với triệu chứng thông thường do mang thai gây ra.
Với một bệnh lý gây ra nhiều nguy cơ cho mẹ và thai, các triệu chứng lại không rõ ràng thì thai phụ cần làm gì để kiểm tra xem mình có mắc bệnh không?
Để kiểm tra có mắc bệnh tiều đường thai kỳ hay không thì thai phụ cần làm một xét nghiệm quan trọng được gọi là nghiệm pháp dung nạp đường. Đây là một xét nghiệm cần phải thực hiện đối với tất cả các thai phụ ở mọi lần mang thai trong khoảng từ 24 tuần 0 ngày đến 28 tuần 6 ngày. Một số trường hợp nếu qua thăm khám các bác sĩ đánh giá thuộc nhóm nguy cơ cao mắc tiểu đường thì có thể chỉ định làm xét nghiệm này ở thời điểm sớm hơn.

Quy trình thực hiện nghiệm pháp này diễn ra như thế nào, bác sĩ có thể chia sẻ cụ thể hơn được không?
Về chuẩn bị trước khi làm nghiệm pháp thì thai phụ cần lưu ý:
- Trong vòng 3 ngày trước khi thực hiện nghiệm pháp thì không nên ăn quá nhiều thực phẩm nhiều tinh bột hoặc đường và cũng không nên ăn kiêng để tránh ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
- Không nên ăn thêm gì trong vòng 8 đến 12 giờ trước khi làm nghiệm pháp, có thể uống nước lọc từng ngụm nhỏ nếu khát.
Nghiệm pháp này thường được thực hiện vào buổi sáng sớm với 3 lần lấy máu. Lần lấy máu tĩnh mạch đầu tiên nhằm kiểm tra đường máu đói, sau đó mẹ sẽ được uống một ly nước đường chứa 75g glucose trong vòng 5 phút. Sau uống nước đường 1 giờ sẽ lấy máu tĩnh mạch lần 2 và sau uống nước đường 2 giờ sẽ lấy máu tĩnh mạch lần 3.
Tổng thời gian làm nghiệm pháp sẽ khoảng 2 đến 2.5 tiếng, trong thời gian này cần lưu ý không ăn uống thêm gì. Thai phụ ngồi nghỉ ngơi hoặc có thể đi lại nhẹ nhàng trong khuôn viên cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm.

Kết quả xét nghiệm như thế nào thì được chẩn đoán là có mắc tiểu đường thai kỳ thưa bác sĩ? Và khi có tiểu đường thai kỳ thì cần phải điều trị như thế nào, thưa bác sĩ?
Nếu cả 3 chỉ số xét nghiệm đường máu đều dưới ngưỡng cho phép thì kết luận không mắc tiểu đường thai kỳ, nếu có từ 1 chỉ số đường máu vượt ngưỡng thì có thể kết luận thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ.
Tuy nhiên mẹ bầu cũng không nên quá lo lắng, trong phần lớn các trường hợp thì tiểu đường thai kỳ có thể kiểm soát tốt bằng chế độ ăn uống, tập luyện và theo dõi sát đường máu hàng ngày. Chỉ một số ít cần tiêm insulin nếu không điều chỉnh được đường máu. Việc điều chỉnh chế độ ăn, tự theo dõi đường máu và phương pháp tập luyện mỗi ngày cần tuân thủ theo hướng dẫn từ bác sĩ sản khoa hoặc bác sĩ nội tiết. Cũng cần lưu ý là việc kiểm soát này cần được thực hiện đến hết thai kỳ và nếu kiểm soát tốt thì mẹ bầu không cần quá lo lắng về các biến chứng đối với mẹ và thai.
Vậy bác sĩ có thể cho biết liệu bệnh lý tiểu đường thai kỳ có thể chữa khỏi không và sau sinh có hết không?
Chúng ta nên hiểu rằng việc làm nghiệm pháp dung nạp đường thực tế là để xác định xem thai phụ có nằm trong nhóm kháng insulin bánh rau ở mức cơ thể mẹ không bù đắp được hay không. Nếu mẹ nằm trong nhóm này thì việc điều chỉnh ăn uống, sinh hoạt sẽ cần thực hiện đến hết thai kỳ chứ không đặt ra mục tiêu là điều trị khỏi bệnh lý này khi mang thai.
Cũng chính vì đây là bệnh lý liên quan đến kháng insulin của bánh rau nên tin vui cho các mẹ bầu là phần lớn các mẹ sẽ hết tiểu đường sau khi sinh xong. Tuy vậy thì vẫn cần theo dõi sau sinh để kiểm tra xem tiểu đường thai kỳ có trở thành tiểu đường type 2 hay không:
- Sau sinh 4 đến 12 tuần bệnh nhân cần làm lại nghiệm pháp dung nạp đường.
- Nếu kết quả bình thường sau sinh thì sẽ tầm soát định kỳ 1 năm/lần.
- Nếu kết quả có từ 1 chỉ số vượt ngưỡng trở lên thì cần chuyển theo dõi và điều trị bởi BS chuyên khoa nội tiết.
Bác sĩ có nhắn nhủ thêm tới các mẹ bầu về bệnh lý này không ạ?
Tiểu đường thai kỳ không phải bệnh lý đáng lo tuy nhiên cần phải được phát hiện và kiểm soát đúng cách bởi các BS có chuyên môn.
Mẹ bầu nên giữ tinh thần thoải mái, ăn uống khoa học, tập luyện điều độ và không được bỏ qua nghiệm pháp dung nạp đường huyết ở mốc 24 đến 28 tuần. Mẹ có thể làm nghiệm pháp này tại bệnh viện hoặc đến các phòng khám chuyên về sản phụ khoa uy tín có thực hiện nghiệm pháp đúng quy trình.
Nếu mắc tiểu đường thai kỳ thì hãy nhớ rằng khi kiểm soát tốt đường máu mẹ vẫn có thể sinh con khỏe mạnh và an toàn.
Cảm ơn bác sĩ Diệp về những thông tin hữu ích và dễ hiểu!
Qua buổi trò chuyện cùng bác sĩ Nguyễn Dương Diệp, hy vọng các mẹ bầu đã hiểu rõ hơn về bệnh lý tiểu đường thai kỳ cũng phương pháp để phát hiện bệnh lý này. Chủ động thực hiện đầy đủ nghiệm pháp dung dung nạp đường đúng thời điểm không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của mẹ mà còn là cách để chăm sóc bé yêu ngay từ những ngày đầu tiên.
Nếu mẹ đang mang thai và ăn khoăn về bệnh lý tiểu đường thai kỳ hay cách kiểm tra bệnh lý này thì đừng ngần ngại đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và làm xét nghiệm. Và Phòng khám Sản phụ khoa 88B - Hà Đông là một địa chỉ đáng tin cậy mà mẹ có thể tham khảo.

Thông tin về phòng khám:
Địa chỉ: 158B Phùng Hưng – Phúc La – Hà Đông – Hà Nội
Lễ Tân: 0876.888.555
Hotline 24/7: 0967522666 (Bs Diệp – Phụ trách phòng khám)
Web: Phongkham88B.vn
Page: phòng khám Sản Phụ Khoa 88B Hà Đông - Bs.Diệp
FB: Bs Nguyễn Dương Diệp