Luật Sư Hà Trọng Đại – “Người Bảo Vệ Công Lý Phải Có Một Trái Tim Nóng, Một Cái Đầu Lạnh Và Một Bàn Tay Sạch”

BTV Chu Thao

Với hơn một thập kỷ trong nghề, từng xử lý hàng ngàn hồ sơ từ đơn giản đến phức tạp, điều mà Luật sư Hà Trọng Đại tự tin nhất chính là anh đã và đang giữ được cho mình trái tim nhiệt huyết với nghề Luật. Luật sư không đơn thuần là “thầy cãi” mà còn là người “gác cổng” cho công lý, cho lẽ phải.

luat-su-1-1678089479.jpg

Chào anh Hà Trọng Đại, cơ duyên nào khiến anh gắn bó với nghề Luật sư vậy ạ?

Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã khao khát và nuôi dưỡng ước mơ trở thành một Luật sư. Từ đó, tôi đã đăng ký vào trường Đại học Luật Hà Nội. Tại đây, tôi có cơ hội được rèn giũa bản thân từ kiến thức, kỹ năng đến phong thái của người hành nghề Luật. 

Nghề nghiệp đến với mỗi người như một cái duyên. Người ta vẫn thường nói: Nghề chọn người, chứ người không chọn được nghề. Tuy hành trình chinh phục đam mê của tôi gặp nhiều gián đoạn nhưng cuối cùng, tôi đã hái quả ngọt với sự ra đời của Công ty Luật TNHH Hà Trọng Đại và Cộng sự.

luat-su-2-1678089479.jpg

“Đã làm Luật sư thì không ngại va chạm”, trên hành trình tìm kiếm công lý, anh đã gặp phải những khó khăn hay trở ngại nào?

Tôi nghĩ, bất cứ một nghề nào, một cá nhân nào cũng đều có một thời kì khởi đầu đầy gian nan, trước khi được xã hội ghi nhận và coi trọng. Tới thời điểm hiện tại, có thể nói tôi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cũng như nhiều bài học mà tôi nhận được qua quá trình làm nghề. Lúc mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm thực tiễn nhiều nên tôi không tránh khỏi những va vấp. Mặc dù vậy, chưa bao giờ tôi chán nản với nghề, bởi bản thân tôi đã nỗ lực đến cùng. Và dẫu sao, dù thành công hay thất bại, đó cũng là cái nghiệp mà người Luật sư phải chấp nhận mang vác trong suốt thời gian hành nghề.

luat-su-3-1678089479.jpg

“Chúng ta tồn tại nhờ những gì ta nhận nhưng chúng ta sống nhờ những gì cho đi”. Tuy trải qua nhiều khó khăn và trở ngại trong suốt 10 năm qua, nhưng những giá trị mà anh nhận được là gì?

Nhìn chung lại, với tôi, điều làm nên niềm vui, động lực và cũng khiến tôi trân quý nhất, đó chính là sự ghi nhận từ những thân chủ của mình. Dù bị o ép vào tình cảnh ngặt nghèo nhất, họ vẫn tin tưởng vào pháp luật và đặt niềm tin triệt để vào Luật sư.

Qua hơn 10 năm làm nghề, công việc này đã mang đến cho tôi nhiều bài học giá trị mà tôi muốn gói gọn trong hai chữ: “Tâm” và “Nhẫn”. Trong nghề Luật sư, “Tâm” là tận tụy, tâm huyết và cống hiến hết mình; tháo gỡ, xử lý đến cùng mọi vấn đề mà khách hàng yêu cầu. “Nhẫn” là , không vì khó mà ngại, không vì khổ mà chùn bước.

luat-su-4-1678089479.jpg

Anh có tâm niệm như thế nào về nghề “gác cổng công lý” này?

Nhiều năm trong nghề Luật không chỉ giúp tôi trau dồi kiến thức, kỹ năng mà hơn hết khiến tôi có cái nhìn sâu sắc về nghề, về cuộc sống. Tôi luôn tâm niệm “Pháp luật là đạo đức biểu hiện ra bên ngoài, đạo đức là pháp luật ẩn giấu bên trong”.  Chính vì vậy, trong suốt chặng đường hành nghề của mình, hai yếu tố đạo đức và pháp luật luôn song hành cùng tôi. Mỗi Luật sư cần kiên định trong hành trình tìm sự thật, góp phần bảo vệ công lý, chiến đấu đến cùng để bảo vệ công lý, công bằng xã hội. Góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điều tôi mong muốn hướng đến.

Ngày nay, thế hệ trẻ đang hướng đến nghề Luật sư nhiều hơn. Điều đó cho thấy nghề nghiệp này đang có rất nhiều triển vọng. Vậy anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ đang là những Luật sư tương lai?

Để đứng vững và thành công trong nghề Luật thì người Luật sư phải mang tâm lý “không ngại va chạm”, không sợ điều tiếng xấu từ dư luận. Các Luật sư phải đối diện với những khó khăn, trở ngại, có thể gặp những hiểm nguy. Vì vậy đã là Luật sư thì hành trang luôn cần phải có một cái túi đựng đầy kiến thức sâu rộng và một cái túi đựng đầy sự dũng cảm, kiên trì, nhẫn nại.

Đặc biệt, “Người bảo vệ công lý phải có một trái tim nóng, một cái đầu lạnh và một bàn tay sạch”. Trái tim nóng để hiểu, đồng cảm và có những dự cảm đúng về con người. Cái đầu lạnh để phân tích, suy luận và phán đoán các sự kiện chính xác, khách quan. Còn bàn tay sạch là không tham lam, không vụ lợi, giữ lương tâm trong sáng.

Tôi hi vọng chúng ta, những đồng nghiệp trong tương lai, những người hành nghề chân chính sẽ luôn giữ được sự bình tĩnh và bản lĩnh của mình; lạc quan, tin tưởng vào sự nghiệp mà mình đã theo đuổi, tin tưởng vào công lý, vào sứ mệnh vinh quang của nghề nghiệp.

luat-su-5-1678089479.jpg

Theo anh những yếu tố nào góp phần làm nên sự thành công của một Luật sư chân chính?

Quan điểm cá nhân của riêng tôi, để trở thành một Luật sự cần có 4 yếu tố cốt lõi, đó là thái độ, kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm. “Gieo nhân nào gặt quả đó”,  chúng ta gieo những điều tốt đẹp, chúng ta sẽ gặt hái những điều tốt đẹp. Chúng ta gieo tình yêu và niềm đam mê với nghề Luật sư, thành công sẽ theo đuổi chúng ta và số phận thì do mỗi con người quyết định.

Hãy trau dồi học hỏi không ngừng mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm. Trang bị và thực hành các kiến thức, kỹ năng hành nghề cơ bản và cần thiết. Cần có tính kỉ luật cao, niềm đam mê cháy bỏng và ý chí mãnh liệt, kiên trì theo đuổi mục tiêu đã đặt ra với lối sống lạc quan, tinh thần thoải mái, không bao giờ từ bỏ khi chưa đến cuối con đường. Đam mê nhưng phải có kỉ luật để chúng ta làm điều đó một cách bài bản mới dẫn đến thành công, và đôi khi chúng ta cần liều một chút để thử thách bản thân.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

 

Hàn Uyên