Ám ảnh virus bay đầy không khí, đi đâu cũng sát khuẩn: Chuyên gia cảnh báo nguy hiểm

Các chuyên gia khuyến cáo, việc lạm dụng các loại cồn, dung dịch sát khuẩn trong phòng tránh COVID rất nguy hiểm vì có thể dẫn tới những vấn đề nguy hại cho sức khỏe.

Chị H.T.B (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chị mắc COVID-19 từ ngày 8/3 với biểu hiện ho và rát họng. Nhà có con nhỏ chị đành sang nhà bạn cách ly cùng bạn cũng là F0. Với nỗi ám ảnh sợ COVID chị nhờ bạn mua cồn 90 độ, dung dịch sát khuẩn, cloramin B khử trùng. Chốc chốc chỉ cần đụng tay vào đâu chị lại lấy cồn sát khuẩn, dùng cloramin B xịt quanh phòng, ngoài phòng... Không những thế chị còn xịt cho cả nhà hàng xóm.

"Trải qua nhiều đợt dịch tôi thường xuyên dùng cách này để bảo vệ mình, bảo vệ gia đình. Thế nhưng không may cũng bị dính COVID, mỗi lần đụng vào đồ vật gì tôi lại tưởng tượng virus đang bay quanh quẩn hoặc bám vào đồ vật đó, nên tôi phải sát khuẩn ngay", chị B nói.

Việc sát khuẩn tay nhiều khiến tay chị bong tróc và khô ráp đi so với thời gian trước rất nhiều. Tuy vậy, vì nỗi sợ COVID nên chị vẫn tiếp tục sát khuẩn tay để an tâm.

Tương tự, chị N.T.T.A (Cầu giấy, Hà Nội) cho biết, chị mắc COVID từ ngày 6/3 với biểu hiện ho, ngạt mũi. Chị nhờ bạn mua đủ các loại từ thuốc đến dung dịch sát khuẩn. Đặc biệt, bên cạnh phòng chị có gia đình cũng mắc COVID, ho liên tục nhưng mỗi khi ra ngoài lại không đeo khẩu trang. Vì ở phòng trọ, 2 phòng 1 tầng, nhà vệ sinh dùng chung, mỗi lần mở cửa phòng chị lại ám ảnh vì sợ virus bay trong không khí. Vì thế chị sát khuẩn liên tục.

"Nhà vệ sinh dùng chung, ấy thế nhà bên cạnh lại không có ý thức giữ gìn, phải thực sự cần thiết lắm tôi mới dám mở cửa phòng, còn không sẽ đóng chốt và xịt cồn liên tục. Mỗi lần ra ngoài tôi sẽ sát khuẩn thật kỹ và khi vào phòng phải sát khuẩn thêm lần nữa vì tôi rất sợ virus vẫn bám vào người", chị T.A chia sẻ.

Ám ảnh virus bay đầy không khí, đi đâu cũng sát khuẩn: Chuyên gia cảnh báo nguy hiểm - Ảnh 1.

Nhiều người sử dụng cồn, gel rửa tay, dung dịch sát khuẩn vì sợ COVID. Ảnh: NVCC.

Nguy hại từ việc lạm dụng cồn, dung dịch sát khuẩn

Trao đổi với PV về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học – Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, việc sử dụng cồn và dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay khô, gel rửa tay,…để khử khuẩn là một trong những biện pháp phòng chống COVID-19 của nhiều người hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay do có biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, nên nhiều người đã quá lạm dụng vào những chế phẩm này. Việc lạm dụng quá sẽ gây ra nhiều tác hại đến sức khỏe trong và ngoài của chúng ta.

Theo PGS Thịnh phân tích, việc sử dụng cồn 90 độ để sát khuẩn tay là hoàn toàn sai lầm, vì mặc dù cồn 90 có nồng độ cao tuy nhiên khi cho vào tay, loại cồn này sẽ bay nhanh và tác dụng sát khuẩn sẽ không còn. Thay vào đó người dân nên dùng cồn 70 độ để sát khuẩn tay sẽ hợp lý hơn.

Khi sử dụng các dung dịch sát khuẩn, người dân nên lưu ý, dung dịch sát khuẩn tay và dung dịch để khử khuẩn trong không khí hoàn toàn khác nhau. "Có nhiều người thiếu hiểu biết hoặc lạm dụng quá mức đã lấy dung dịch khử khuẩn không khí như cloramin B để sát khuẩn da tay thì rất nguy hiểm. Ở mỗi dung dịch họ sẽ sản xuất và điều chế ở mức độ an toàn khác nhau, như dung dịch sát khuẩn tay sẽ được điều chế nhẹ và ít nguy hiểm hơn dung dịch khử khuẩn", PGS Thịnh nói.

Ngoài ra, theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, các sản phẩm không rõ nguồn gốc thường dùng cồn methanol hay cồn metylic, còn được gọi là cồn gỗ thay cho cồn ethanol (loại cồn thường dùng trong sản xuất dung dịch sát khuẩn) để giảm giá thành. Việc sử dụng cồn gỗ sẽ gây tác dụng ngược, thậm chí nguy hiểm cho người dùng.

"Việc lạm dụng dung dịch sát khuẩn tay sẽ làm giảm độ ẩm trên tay đáng kể, sử dụng quá nhiều có thể gây ra tình trạng kháng kháng sinh đối với cơ thể. Nhiều người có thể bị dị ứng với các thành phần có trong dung dịch sát khuẩn nhanh. Nghiêm trọng hơn việc khử khuẩn nhiều hoặc sát khuẩn da tay nhiều sẽ khiến chúng ta hít vào mùi của các dung dịch khử khuẩn và dễ gây ra các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Việc dùng nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn nhiều còn làm tăng khả năng hấp thụ BPA, một chất hóa học rất nguy hiểm gây ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết dẫn đến ung thư. Nước rửa tay khô không chứa chất độc hại này nhưng nó là chất trung gian để đưa chất độc hại này từ tay dính vào thức ăn và vào cơ thể", PGS Thịnh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Bùi Lê Minh - Chuyên gia công nghệ sinh học cho biết, sản phẩm gì lạm dụng nhiều cũng không tốt. Việc vệ sinh cá nhân thì nên, nhưng xịt khuẩn liên tục sẽ dẫn tới các nguy cơ độc hại khác như hấp thụ thụ động các loại cồn, chất tẩy có thể dẫn tới các vấn đề về hô hấp và làm khô da, làm tăng nguy cơ nhiễm các loại virus khác, đặc biệt là với đối tượng trẻ nhỏ ở trong nhà.

"Ngoài ra, việc lạm dụng các chất khử khuẩn về lâu dài sẽ làm thay đổi hệ vi sinh trong môi trường và trong chính cơ thể, dẫn tới mất cân bằng và các bệnh tật cũng từ đó mà ra", TS Bùi Lê Minh nhấn mạnh.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên hạn chế sử dụng các dung dịch sát khuẩn, nếu có thể hãy rửa tay thường xuyên bằng xà bông để đảm bảo an toàn. Đồng thời nên vệ sinh môi trường xung quanh bằng xà phòng sẽ giúp chúng ta giảm bớt những tác hại từ các loại dung dịch sát khuẩn gây ra.

https://soha.vn/am-anh-virus-bay-day-khong-khi-di-dau-cung-sat-khuan-chuyen-gia-canh-bao-nguy-hiem-20220316145535598.htm