Hội thảo Đánh giá tiến độ triển khai sáng kiến chế độ ăn lành mạnh bền vững tại Việt Nam

Vào sáng ngày 23/10/2024, tại Hà Nội, Liên minh Đa dạng Sinh học Quốc tế và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (Liên minh Bioversity & CIAT) đã phối hợp cùng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) tổ chức Hội thảo Đánh giá tiến độ triển khai sáng kiến chế độ ăn lành mạnh bền vững tại Việt Nam.

Tại hội thảo các chuyên gia trong và ngoài nước, đã tập trung đánh giá tiến độ triển khai Sáng kiến SHiFT tại Việt Nam sau gần ba năm hoạt động. Hội thảo đã tập trung: Chia sẻ kết quả nghiên cứu sơ bộ của Sáng kiến SHiFT tại Việt Nam; Thảo luận về việc các kết quả nghiên cứu này có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm tại Việt Nam; Cung cấp thông tin tổng quát về những hoạt động tiếp theo của Sáng kiến SHiFT trong chương trình CGIAR về Chế độ ăn và Dinh dưỡng tốt hơn giai đoạn 2025-2030, cũng như vai trò của chương trình trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm tại Việt Nam trong tương lai.

img-3826-1729722144.jpeg

Các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo

Hội thảo là một cơ hội quý báu để các bên liên quan cùng nhau trao đổi, thảo luận và tìm ra những giải pháp khả thi nhằm nâng cao chất lượng chế độ ăn và dinh dưỡng tại Việt Nam.

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Sáng kiến SHiFT được tài trợ bởi Liên minh tư vấn nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế - CGIAR nhằm cải thiện chất lượng chế độ ăn hàng ngày và chuyển đổi cách mà thực phẩm được sản xuất và tiêu thụ. Sáng kiến này tập trung vào việc khuyến khích nhu cầu tiêu thụ thực phẩm lành mạnh và bền vững. Điều này không chỉ bao gồm việc người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe mà còn liên quan đến việc cải thiện cách thức sản xuất thực phẩm.

img-3764-1729722299.jpeg

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

"Một trong những mục tiêu quan trọng là đảm bảo rằng thực phẩm không chỉ đầy đủ dinh dưỡng mà còn an toàn cho sức khỏe. Điều này có nghĩa là giảm thiểu việc sử dụng hóa chất độc hại và thúc đẩy các phương pháp canh tác an toàn cho môi trường. Sáng kiến cũng nỗ lực đảm bảo rằng thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng có thể tiếp cận được đối với tất cả mọi người, không chỉ tầng lớp giàu có. Điều này có thể được đạt được thông qua việc giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng và tăng cường sản xuất tại địa phương...", PGS.TS Đào Thế Anh chia sẻ.

img-3763-1729722424.jpeg

img-3802-1729722469.jpeg

img-3810-1729722488.jpeg

Một số chuyên gia quốc tế chia sẻ tại Hội thảo

Tại Hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các Cục, Vụ, Viện, trường học của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thảo luận nhấn mạnh việc chuyển đổi hệ thống thực phẩm hướng tới việc phát triển các phương thức sản xuất thực phẩm bền vững là một phần cốt lõi của sáng kiến. Điều này có thể bao gồm việc khuyến khích nông nghiệp hữu cơ, giảm thiểu sử dụng nước và năng lượng, và bảo tồn đa dạng sinh học trong nông nghiệp.

Trong đó, nhấn mạnh Sáng kiến SHiFT không chỉ tập trung vào từng khía cạnh riêng lẻ mà còn tìm cách cải thiện toàn bộ hệ thống thực phẩm, từ sản xuất cho đến phân phối và tiêu thụ. Việc này đòi hỏi sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm nông dân, nhà sản xuất thực phẩm, nhà khoa học và chính quyền. Nhờ những nỗ lực này, SHiFT hy vọng sẽ tạo ra một sự thay đổi tích cực trong tiêu dùng thực phẩm toàn cầu, từ đó nâng cao sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường.

img-3812-1729722641.jpeg

img-3813-1729722640.jpeg

img-3815-1729722640.jpeg

img-3817-1729722640.jpeg

img-3814-1729722640.jpeg

img-3818-1729722640.jpeg

Một số hình ảnh tại Hội thảo

Trong khuôn khổ sự kiện, Bộ tài liệu Hệ thống Thực phẩm dành cho Tập huấn viên, phiên bản Tiếng Việt, do Viện Kinh tế - văn hóa và Nghệ thuật phối hợp với NXB Dân Trí ấn hành cũng đã được giới thiệu. Theo đó, Bộ tài liệu này gồm 03 tập, cung cấp kiến thức cơ bản về sáng kiến SHiFT với những nội dung chính: Quan điểm và nguyên lý của chế độ ăn uống bền vững; Phân tích hệ thống thực phẩm hiện tại và những thách thức mà nó đang phải đối mặt; Các phương pháp và công cụ để thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh. Bộ tài liệu cung cấp những tri thức cốt lõi về hệ thống thực phẩm:

Mục tiêu của Sáng kiến SHiFT: Bằng việc tập trung vào chế độ ăn uống bền vững, sáng kiến này khám phá và đưa ra giải pháp nhằm: Thúc đẩy nhu cầu sử dụng thực phẩm bổ dưỡng và an toàn, từ đó cải thiện sức khỏe cộng đồng; Đảm bảo thực phẩm có giá cả phải chăng, giúp mọi người tiếp cận được thực phẩm lành mạnh, không chỉ riêng một bộ phận người có thu nhập cao; Khuyến khích sản xuất thực phẩm bền vững thông qua các phương pháp thân thiện với môi trường.

img-3839-1729723829.jpeg

img-3838-1729722942.jpeg

Bộ tài liệu Hệ thống thực phẩm dành cho tập huấn viên được giới thiệu tại Hội thảo

Vai trò của tập huấn viên: Các tập huấn viên sẽ sử dụng bộ tài liệu này để đào tạo và hướng dẫn cộng đồng về những khái niệm và phương pháp trong sáng kiến SHiFT. Họ sẽ trở thành những người truyền đạt kiến thức và thực hành tốt nhất về chế độ ăn uống lành mạnh và bền vững.

Kết nối các bên liên quan: Thông qua việc cung cấp thông tin và hướng dẫn, bộ tài liệu cũng tạo cơ hội để kết nối giữa các bên liên quan như nông dân, nhà sản xuất thực phẩm, nhà khoa học và chính quyền, từ đó cùng nhau xây dựng một hệ thống thực phẩm hiệu quả hơn.

Thúc đẩy nhận thức: Bộ tài liệu này không chỉ có tác dụng giáo dục mà còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh và bền vững, từ đó tạo động lực cho sự thay đổi tích cực trong thói quen tiêu dùng.

Các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá, Bộ tài liệu Hệ thống thực phẩm dành cho tập huấn viên vừa được Viện Kinh tế - văn hóa và Nghệ thuật phối hợp với NXB Dân Trí xuất bản không chỉ cung cấp kiến thức mà còn là một công cụ thiết thực để thực hiện những mục tiêu của Sáng kiến SHiFT, nhằm cải thiện sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường thông qua chế độ ăn uống bền vững.

Xuân Nguyên - Trường Giang

Link nội dung: https://ketnoithuonghieu.vn/hoi-thao-danh-gia-tien-do-trien-khai-sang-kien-che-do-an-lanh-manh-ben-vung-tai-viet-nam-a9180.html