Trưởng thành từ “cái nôi âm nhạc”
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Quỳnh Lưu, Nghệ An - vùng đất can trường nơi cửa biển nhưng cũng rất đỗi ấm áp, ngọt ngào. Ngay từ thuở ấu thơ, tâm hồn Hương Giang được “tắm” trong lời hát ru của bà, của mẹ. Những câu ca, điệu hò ví giặm đã nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ, truyền cảm hứng và niềm đam mê cháy bỏng với âm nhạc trong chị.
NSƯT Hương Giang xuất thân từ gia đình có truyền thống làm nghệ thuật
Hương Giang may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu âm nhạc. Ông bà nội của chị lập gánh hát từ sớm để phục vụ nhân dân và bộ đội. Chú ruột chị là nhạc sĩ An Thuyên nổi tiếng, ngay khi còn trẻ ông đã đảm nhận vị trí nhạc trưởng. Gia đình chị có 9 anh chị em ruột, ai cũng có năng khiếu về nghệ thuật. Người anh trai cả của chị là NSND An Phúc nổi tiếng trong giới nghệ thuật Chèo Việt Nam. Trong môi trường nghệ thuật lý tưởng đó, âm nhạc đã đi vào trái tim của chị một cách rất đỗi tự nhiên. Niềm đam mê nghệ thuật ngày càng cháy bỏng và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chính âm nhạc, là món ăn tinh thần đã nuôi lớn tâm hồn cao đẹp trong chị, là sợi chỉ đỏ chạy xuyên suốt trong hành trang của giọng ca vàng xứ Nghệ vang vọng khắp các nẻo đường thân yêu của Tổ Quốc.
"Ngay từ thủa ấu thơ, ngoài những lúc phụ giúp thầy cắt thuốc Bắc chữa bệnh cứu người, giúp mẹ may mặc, tôi thả trâu chăn bò và ngêu ngao những điệu ví câu hò thân thuộc của quê hương. Lớn lên, tôi được gần gũi và ngày càng hâm mộ tài năng âm nhạc chú An Thuyên, anh An Phúc và các anh chị ruột trong gia đình. Chính họ là nguồn động lực lớn lao thôi thúc tôi luôn tâm niệm phải không ngừng nỗ lực để tìm ra cho mình một lối đi riêng trong con đường hoạt động nghệ thuật...", chị Hương Giang chia sẻ.
NSƯT Hương Giang trưởng thành từ cơ sở
Và rồi Hương Giang đến với nghệ thuật âm nhạc như một cái duyên khi nhạc sĩ An Thuyên là người nhận ra tài năng của chị. Chính nhạc sĩ An Thuyên đã động viên chị ra Hà Nội học thanh nhạc để theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp sau này. Vượt nắng gió quê hương, rời mảnh đất Quỳnh Lưu thân thuộc, Hương Giang đã đến Thủ đô Hà Nội với khát khao mãnh liệt được học hỏi, trau dồi và khát khao những cống hiến cho nghệ thuật.
Nỗ lực đối mặt với gian truân
Trên con đường hoạt động nghệ thuật, Hương Giang đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách và những bước ngoặt cuộc đời. Tuy nhiên, trên hành trình theo đuổi đam mê và khát khao lưu giữ chất liệu dân gian trong xu hướng âm nhạc hiện đại, chưa một lần chị nghĩ đến việc bỏ cuộc. Với chị, để hưởng những thành quả ngọt ngào của sự nghiệp phải trải qua những trải nghiệm nghiệt ngã của cuộc sống.
Theo đuổi ước mơ âm nhạc từ sớm, Hương Giang không ngại gian khó mà tình nguyện vào cực Nam xa xôi làm ca sĩ của Đoàn nghệ thuật Quân khu 9 khi mới 21 tuổi. Cô ca sĩ trẻ lội suối bằng rừng khắp các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long để biểu diễn phục vụ quân dân miền đồng bằng sông nước. Chị kể, có khi phải lênh đênh trên sông nước nhiều giờ đồng hồ trong đêm để đến được điểm diễn, có khi đồng hành cùng các đơn vị đóng quân trong rừng sâu núi thẳm. Chính những năm tháng ấy đã cho chị những trải nghiệm quý của người nghệ sĩ quân nhân. Tiếng hát của người chiến sĩ, nghệ sĩ nơi thao trường tiếp thêm sức mạnh tinh thần để người lính hoàn thành nhiệm vụ. Trong những đêm đông giá lạnh hay giữa thao trường đầy nắng gió, giọng hát cao giàu nội lực, trong sáng, trữ tình của người con gái xứ Nghệ mỗi khi cất lên đã làm say đắm lòng người.
NSƯT Hương Giang được biết đến là “ca sĩ của thao trường”
Trải qua, 06 năm công tác tại Đoàn nghệ thuật Quân khu 9 và 07 năm công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc quân đội đã cho Hương Giang nhiều trải nghiệm quý trong con đường hoạt động nghệ thuật và giảng dạy thanh nhạc sau này tại Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội.
Chia sẻ về khó khăn trong quá trình giảng dạy, chị nói: “Giảng dạy thanh nhạc, sợ nhất là thiếu sự trải nghiệm bởi kiến thức trong sách vở chỉ là một phần. Tôi may mắn được trải qua nhiều môi trường nghệ thuật để có thể trui rèn, tích lũy và học tập; kiến thức từ cuộc sống được tôi vận dụng vào bài giảng cho học trò. Như việc được đi biểu diễn ở Trường Sa năm 2015 đã giúp tôi hiểu hơn về đời lính, tự dặn mình phải sống tốt hơn, trách nhiệm hơn để xứng đáng với sự hy sinh của người lính đang ngày đêm bảo vệ biển trời của Tổ quốc”.
Trong hành trình “sống và cống hiến hết mình với âm nhạc”, Hương Giang luôn tâm niệm rằng cần phải lan tỏa mạnh hơn, rộng hơn tình yêu âm nhạc truyền thống, ý thức gìn giữ và phát triển âm nhạc nước nhà đến thế hệ trẻ. Chính vì vậy, chị luôn đặt hết tâm sức, tình yêu âm nhạc vào từng bài giảng để truyền cảm hứng đến học trò.
Những thành quả ngọt ngào
Cách đây 15 năm, một người nghệ sĩ trẻ đã thu hút sự chú ý của công chúng khi tái hiện thành công hình tượng của nữ Anh hùng Lê Thị Ràng - chị Sứ trong vở kịch "Hai người mẹ" của Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên. Người ca sĩ trẻ tài năng đó chính là Hương Giang.
“Hai người mẹ” là một vở nhạc kịch khó, đòi hỏi người biểu diễn phải có đủ trình độ thanh nhạc hát cổ điển và có khả năng đáp ứng những yêu cầu khắt khe của sân khấu kịch. Với tài năng nghệ thuật và sự cố gắng không ngừng, Hương Giang đã hoàn thành xuất sắc vai diễn chị Sứ. Báo chí thời bấy giờ đã dành nhiều lời ghi nhận và biểu dương cho sự nỗ lực nghệ thuật của nghệ sĩ trẻ Hương Giang. Cho tới tận bây giờ, không ít người mỗi khi về miền Nam ấy, lại thầm tìm hiểu người nghệ sĩ vào vai chị Sứ xưa, bây giờ ra sao. Họ chẳng thể quên hình ảnh cô gái trẻ với giọng hát nội lực với lối diễn truyền cảm, người đã lấy đi của họ bao dòng nước mắt vì xúc động.
NSƯT Hương Giang sở hữu chất giọng nữ cao trữ tình Soprano
Trải qua hành trình dài với những khó khăn, thử thách bộn bề, NSƯT Hương Giang đã chiếm trọn được tình yêu, sự mến mộ của đồng nghiệp và công chúng. Sở hữu chất giọng nữ cao trữ tình (Soprano); phong cách hát tình cảm, tinh tế; giọng ca linh hoạt khi xử lý các tác phẩm như dòng chính ca, ca khúc mang âm hưởng dân ca hay các Aria, Romane đều được Hương Giang xử lý một cách điêu luyện. Là người con của quê hương xứ Nghệ đã thấm đẫm từng câu hò điệu ví nên trong các ca khúc mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ đều được Hương Giang thể hiện rất tự nhiên từng ngữ âm, ngữ điệu của quê mình. Đồng thời, những năm tháng gắn bó với đồng bằng sông nước Cửu Long đã giúp cho Hương Giang những trải nghiệm nét đẹp văn hóa đờn ca tài tử, thêm yêu những câu hò của miền Tây sông nước. Vì thế, Hương Giang còn được biết đến là một nghệ sĩ hát rất "chất" về những ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ. Là nghệ sĩ biểu diễn dòng nhạc dân ca ngọt ngào, sâu lắng, Hương Giang yêu những làn điệu quê hương nên dù là dân ca vùng miền nào thì chị cũng luôn đặc biệt sáng tạo trong cách luyến láy khi thể hiện. Chính điều này, giúp Hương Giang thể hiện nhiều ca khúc thuộc các thể loại khác nhau trở nên gần gũi và chạm đến trái tim người nghe.
Đặc biệt, NSƯT Hương Giang đã kết hợp giữa kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện với lối hát dân ca truyền thống mượt mà, những luận điểm nghiên cứu đã được chị đã khẳng định trong luận văn tốt nghiệp Thạc sỹ của mình, cũng như nghiên cứu mới nhất của chị về đề tài “Dân ca và ứng dụng vào thực hành biểu diễn” do Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội tổ chức.
NSƯT Hương Giang đã kết hợp giữa kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện với lối hát dân ca mượt mà
Hơn 30 năm theo đuổi nghề, chị đã gặt hái được nhiều giải thưởng danh giá. Là một nghệ sĩ quân nhân, chị đã xuất sắc đạt Giải nhì Cuộc thi đơn ca "Mùa Xuân và Người Chiến sĩ" do Tổng cục chính trị tổ chức năm 1998 với ca khúc "Lời Bác dặn trước lúc đi xa"; 2 Huy chương bạc truyền hình toàn quốc cho phim ca nhạc của Đài truyền hình Cần Thơ dự thi Liên hoan phim truyền hình toàn quốc, Huy chương bạc Hội diễn ca múa nhạc Chuyên nghiệp toàn Quân 2003...Và rực rỡ nhất chính là Huy chương vàng Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn Quân 2008 khi Đại úy Hương Giang đã trình diễn rất xuất sắc vai chị Sứ trong nhạc kịch “Hai người mẹ” của Thiếu tướng - nhạc sỹ An Thuyên sáng tác. Huy chương bạc với ca khúc: “Ở rừng nhớ anh” (An Thuyên) tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc do Bộ văn hóa Thông tin Du lich tổ chức năm 2009, và đặc biệt với bài hát “Có một dòng suối trong lành” (An Thuyên), Hương Giang đã đoạt Huy chương vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012...
Thượng tá, NSƯT Hương Giang được tặng Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú
Trong vai trò là một giảng viên Khoa Thanh nhạc, Trường đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội, Thượng tá, NSƯT Hương Giang liên tục được nhận các Bằng khen của Bộ Tư lệnh Quân khu hay của Trường Đại học, thì về Nhà hát Quân đội, hai năm 2011 và 2012 chị liên tục là Chiến sỹ thi đua của Nhà hát, và hai năm liền được nhận Bằng khen của Bộ Quốc phòng. Với những thành tích xuất sắc đó, năm 2016, Thượng tá, NSƯT Hương Giang được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Năm 2022, được Bộ Quốc phòng vinh danh là Phụ nữ tiêu biểu toàn Quân giai đoạn (2012 - 2022).
Thượng tá, NSƯT Hương Giang luôn đau đáu nỗi niềm truyền cảm hứng, tình yêu quê hương đất nước cho giới trẻ trong và ngoài quân đội thông qua những ca khúc cách mạng. Bởi những lứa tuổi 8X, 9X, 10X không trải qua chiến tranh, nhưng qua câu chuyện của thế hệ đi trước và tình yêu với đất nước hôm nay trong họ được bồi tụ thông qua những sáng tác xúc động, làm dày thêm những ca khúc của dòng nhạc cách mạng. Với Hương Giang, ca sĩ đương đại là cần dấn thân, tìm tòi khai thác sâu hơn nữa những chất liệu cách mạng để mang đến những ca khúc chất lượng, có giá trị âm nhạc mang hơi thở của thời đại.
Chính vì lẽ đó, mới đây, chị đã cùng Nhà báo Vương Xuân Nguyên và các cộng sự đang ngày đêm nỗ lực thực hiện dư án phát huy những giá trị âm nhạc chính ca, dân ca các vùng miền để truyền cảm hứng ngợi ca tình yêu quê hương đất nước, tri ân mẹ Việt Nam anh hùng, các vị tiền bối cách mạng, Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng...Dự án âm nhạc giàu ý nghĩa nói trên của chị, đã nhận được sự đồng hành cổ vũ của nhiều nhạc sĩ, nhà báo, văn nghệ sĩ và nhiều cơ quan báo chí lan tỏa trong cộng đồng. Những tác phẩm mới do chị và cộng sự thực hiện được đăng tải trên trang điện tử https://nguyenhuonggiang.vn/ và đăng tải, phát sóng quốc gia đã được đông đảo công chúng trong và ngoài nước đón nhận.
Nhìn lại những quả chín mà Hương Giang đã gặt hái trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật khiến chúng ta thêm nể phục và trân quý khi Thượng tá, NSƯT Hương Giang mấy mươi năm qua luôn làm việc bằng cả trái tim nhiệt huyết, trách nhiệm của một người lính và tâm hồn cao đẹp luôn khát khao dâng hiến trọn vẹn cho nghệ thuật để góp sức cho mạch nguồn âm nhạc chảy mãi trong dòng chủ lưu của giá trị tinh thần, bản sắc văn hóa Việt, để sắc Hương đất Việt điểm tô cho Giang sơn gấm vóc tổ tiên đã trao truyền qua hàng ngàn năm lịch sử mãi mãi trường tồn và phát triển..., đúng như những kỳ vọng của người thân, gia đình và quê hương khi đặt tên và nghệ danh Hương Giang cho giọng ca vàng xứ Nghệ./.
Thanh Hà - Quyết Tuấn
Link nội dung: https://ketnoithuonghieu.vn/thuong-ta-nsut-huong-giang-hon-30-nam-nang-long-voi-am-nhac-viet-a8716.html